NHÀ NƯỚC TA ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN SÂM NGỌC LINH NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN Ở KON TUM
Kon Tum là vùng đất có nhiều dược liệu quý nhưng trước đây chưa được trồng và khai thác để sản xuất thuốc, trong khi nhu cầu sử dụng dược liệu lại rất lớn. Hiện nay, phát triển vùng cây dược liệu được xem là một trong những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn những nguồn dược liệu quý nói riêng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề ra trong Tiểu dự án 2: "Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, khuyến khích bà con dân tộc thiểu số phát triển mạnh cây dược liệu mà đặc biệt là cây “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh.
Nhà nước ta đẩy mạnh phát triển Sâm Ngọc Linh
Để phát triển nguồn dược liệu quý, tỉnh Kon Tum đã xây dựng "Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030". Khởi đầu, tỉnh đã xây dựng được vùng dược liệu tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Một số sản phẩm từ dược liệu của Kon Tum đã được thị trường đón nhận. Việc phát triển dược liệu đã góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông thì huyện Tu Mơ Rông hiện có 11 xã thì 10 xã trồng được sâm Ngọc Linh, có 6 xã được cấp chỉ dẫn địa lý: "Với huyện, xác định con đường thoát nghèo bền vững đó là quản lý bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch. Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi phát triển cây dược liệu, trong đó cây sâm là cây trọng tâm và cây thứ hai là đảng sâm - sâm dây. Đây là loại cây phổ thông, dễ trồng, giá rẻ, chế biến được nhiều món ăn. Người dân hiện nay chuyển đổi nhận thức từ "xin, cho", đặc biệt trong năm 2022, người dân vay 39 tỷ để làm vốn trồng cây sâm Ngọc Linh; riêng năm 2023, người dân vay gần 80 tỷ để trồng và phát triển loại cây này, chưa nói tới dược liệu khác".
Đến nay, Kon Tum là tỉnh có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất nước 1.800 ha với mô hình đa dạng, điển hình nhất là liên kết với người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số... Mỗi năm, Kon Tum có khả năng cung ứng hơn 1 triệu cây giống cho người dân. Trong đó, Tu Mơ Rông hiện là địa phương có nhiều diện tích trồng sâm Ngọc Linh nhất của tỉnh Kon Tum. Toàn huyện hiện trồng 1.700 ha sâm, trong đó người dân trồng 100 ha với khoảng 600 hộ tham gia.
Theo ông Mạnh, huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao như sâm Ngọc Linh hay các loại dược liệu. Cũng nhờ vào dược liệu, giai đoạn 2020-2022, toàn huyện có 1.947 hộ thoát nghèo; trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ cây sâm Ngọc Linh.
Nguồn từ báo VOV: https://vov.vn/suc-khoe/sam-ngoc-linh-cay-thoat-ngheo-cua-ba-con-dan-toc-thieu-so-tai-kon-tum-post1065599.vov
Nhận thấy tiềm năng cũng như lợi ích mà Sâm Ngọc Linh mang lại cho người dân miền Trung nói chung và cho Đồng Trường Phát Việt Nam nói riêng. Chúng tôi đang nỗ lực hỗ trợ nhà nước thúc đẩy và phát triển các sản phẩm, dược liệu trong đó có Sâm Ngọc Linh để giúp đỡ đồng bào dân tộc và đồng thời chúng tôi cũng muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng nhất, giá hợp lý nhất.